Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

Làm giàu từ chăn nuôi bò tại kỳ Sơn

Trong những năm qua tại Kỳ Sơn tình hình phát triển kinh tế đang có bước chuyển biến tốt, nhất là với chủ trương của tỉnh chú trọng chăn nuôi, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư và bước đầu đã ổn định kinh tế.
Xác định chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế chủ yếu trong trong xóa đói, giảm nghèo bền vững cho bà con các dân tộc trên địa bàn, huyện Kỳ Sơn đã vận động, hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung. Trong số những người tích cực đi đầu phát triển kinh tế theo định hướng của huyện, có ông Cụt Bún Ma sinh năm 1954 ở bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn.

ông Cụt Bún Ma đang chăm sóc đàn bò nhà mình


Trên diện tích 19 ha đất đồi núi dốc xa khu dân cư được Nhà nước giao cho năm 1998 sát Quốc lộ 7A bên dòng khe Huồi Pốc. Cũng như bao gia đình khác, vợ chồng ông Cụt Bún Ma vẫn đã quen với công việc phát nương, làm rẫy trồng ngô, trỉa lúa nên cuộc sống cứ khó khăn mãi. Khi đang là Phó Chủ tịch UBND xã, Ông băn khoăn làm sao mình phải là tấm gương để bà con noi theo trong phát triển kinh tế, nhưng vì bận công việc nhà nước nên ông chưa thể tập trung xây dựng trang trại của mình. Đến năm 2005, Ông nghỉ hưu theo chế độ, cũng từ đây ông mới tập trung toàn tâm, toàn lực để dựng trang trại tổng hợp của mình. 

Ông tính toán, đầu tư phát triển chăn nuôi bò vàng địa phương là hướng đi đúng đắn giúp cải thiện đời sống kinh tế của gia đình, vì đây là loại vật dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, thịt ngon. Từ 30 triệu đồng vốn vay từ Ngân hành Chính sách xã hội huyện, ông mua 5 con bò giống, thuê nhân công đào 1.000 m2 ao cá, quy hoạch 10 ha trồng cây lương thực, 1 ha trồng cây ăn quả…Với đồng cỏ tự nhiên rộng rất thuận lợi để chăn thả. Bên cạnh đó, ông cũng tích cực học hỏi nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi, nên đến nay đàn bò ít bị bệnh, phát triển tốt lên đến 60 con.

đàn bò 60 con cho thu nhập cao của ông Cụt Bún Ma

Trang trại của ông Bún Ma bây giờ không chỉ cung cấp bò thịt mà còn bán bò giống tốt cho nhiều hộ dân trong xã và các xã lân cận. Ngoài ra, ông còn tập trung nuôi dê, lợn đen, gà giống địa phương. Tính ra, mỗi năm thu nhập từ trang trại đã mang về cho gia đình ông hơn 150 triệu đồng. Thấy được hiệu quả kinh tế, đã có nhiều người từ các xã đến học tập và làm theo; bản thân ông cũng không ngần ngại truyền đạt những kinh nghiệm giúp bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương của mình. 

Nói về dự định trong thời gian tới, ông vui vẻ cho biết sẽ chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực sang trồng 2 ha cỏ voi để tăng thêm nguồn thức ăn cho đàn bò của mình mà ông thường gọi là con giống “chủ lực” của kinh tế gia đình.

Mô hình nuôi bò vàng địa phương của ông Cụt Bú Ma ở bản Nọong Dẻ, xã Nậm Cắn đã cho thấy hiệu quả kinh tế và cần khuyến khích nhân rộng để người dân phát huy ý chí tự lực, tự cường trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của huyện Kỳ Sơn.

1 nhận xét: