Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Kỳ Sơn, khai phá thế mạnh du lịch vốn có

Kỳ Sơn là một huyện rẻo cao biên giới, khí khậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế. Nhưng ở một góc độ khác, Kỳ Sơn còn là một miền đất mang đậm giá trị bản sắc, là tiềm năng phát triển du lịch, triển vọng giúp Kỳ Sơn từng bước vươn lên thoát nghèo.

Nơi đây đồi núi chập chùng, có đường biên tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào là Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bô Li Khăm Xay. Kỳ Sơn cũng là nơi hội tụ hai dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ để sau một hành trình dài hợp lưu ở huyện Tương Dương, chảy về xuôi thành dòng sông Lam. Vùng đất này có đỉnh Pu Xai Lai Leng được xem là nóc nhà của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Kỳ Sơn còn có cổng trời Mường Lống được mệnh danh là Sa Pa của xứ Nghệ. Chưa hết, Kỳ Sơn còn có đỉnh Nậm Cắn, nơi có cửa khẩu quốc tế thông thương với nước bạn Lào cùng phiên chợ vùng biên thắm tình hữu nghị. Trên đỉnh Pu Nhạ Thầu (xã Hữu Kiệm) có một ngôi đền gắn với chiến tích của Đoàn Nhữ Hài, vị Đốc tường thời nhà Trần được triều đình phái vào vùng biên cương miền Tây xứ Nghệ để dẹp giặc Ai Lao, giữ yên bờ cõi. Từ lâu, dải đất biên cương này là nơi cư trú đồng bào các dân tộc Thái, Mông và Khơ mú, mỗi cộng đồng dân tộc luôn có ý thức xây dựng và giữ gìn những nét bản sắc riêng của mình, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng. Kỳ Sơn là quê hương của Vừ Chông Pao, người được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, một thời từng là nỗi khiếp sợ của bọn phỉ Vàng Pao.
một bản nhỏ bình yên ở Kỳ Sơn


Từ miền xuôi lên, trước tiên du khách rẽ về xã Nậm Càn, Na Ngoi để chinh phục đỉnh Pu Xai Lai Leng với độ cao hơn 2.710 m. Từ đây, có thể quan sát một dải núi rừng bao la, trùng điệp và hùng vĩ cùng những bản làng nằm cheo leo sườn núi. Nơi đây gần như quanh năm mây phủ, con người có cảm giác như đang trôi bồng bềnh trên những lớp mây trắng và chỉ cần với tay lên có thể chạm được cả... trời. Rời Pu Xai Lai Leng, tiếp tục hành trình ngược lên Thị trấn Mường Xén, trên đường ghé lại xã Hữu Kiệm, lên núi Pu Nhạ Thầu để chiêm ngưỡng đền Trần và nghe kể về sự tích khai bản, lập mường cùng công đức Đoàn Nhữ Hài và quân sỹ nhà Trần trong sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm. Từ đỉnh Pu Nhạ Thầu phóng tầm mắt ra xa là những bản làng thấp thoáng trong làn sương sớm bên cạnh dòng Nậm Mộ uốn lượn giữa non ngàn. Lên đây vào mùa Xuân, khi bản làng mở hội, du khách sẽ được thưởng thức câu nhuôn, điệu xuối hòa trong tiếng cồng, tiếng chiêng và tiếng khèn, tiếng pí. Và rồi, cùng mở rộng điệu xòe, nhịp nhàng trong điệu lăm vông quyến rũ. Từ đây, vượt cầu Xốp Nhị sẽ đưa du khách đến với bản Na (xã Hữu Lập), nơi có nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng khắp vùng. Các cô gái Thái duyên dáng bên chiếc khung cửi, đôi bàn tay khéo léo dệt nên những tấm thổ cẩm đủ màu sắc và nhiều họa tiết, hoa văn. Du khách có thể mua một chiếc khăn piêu, thắt lưng, túi xách để làm quà lưu niệm. Nếu muốn tìm hiểu phong tục của dân tộc Thái, du khách có thể nghỉ lại bản Na, vì nơi đây còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa đặc sắc.

dự án Lạc Hồng Viên tại Kỳ Sơn

Lên Thị trấn Mường Xén, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản của núi rừng như cơm lam, cá mát, cá lăng, lợn đen, gà đen.

Từ Mường Lống, du khách tiếp tục vào khám phá vùng đất cổ Mỹ Lý, dừng chân ở dãy Phá Lếch để khám phá hệ thống hang động kỳ vĩ của tạo hóa. Từ bản Xiềng Tắm, trung tâm xã Mỹ Lý, du khách sẽ đi thuyền ngược dòng Nậm Nơn, ghé vào bản Yên Hòa để chiêm ngưỡng ngọn tháp cổ, một công trình kiến trúc Phật giáo đặc sắc. Tiếp tục ngồi thuyền ngược sông vượt thác, băng ghềnh, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác mạnh giữa núi non trùng điệp. Mỹ Lý còn nổi tiếng bởi món ăn đặc sản từ các loài cá đầu nguồn Nậm Nơn thịt rất thơm, chắc và ngọt.

cổng trờ Mường Lống được mệnh danh là Sa Pa xứ Nghệ

Với những ưu đãi do thiên nhiên ban tặng như vậy UBND huyện Kỳ Sơn đang cố gắng xây dựng thêm nhiều cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo đưa Kỳ Sơn trở thành điểm đến lý thú của khách du lịch. Nhằm phát triển hiệu quả nhất thế mạnh mà mảnh đất này vốn có.

1 nhận xét: